Xin chào Anh Em, nay Thủy Sinh Dương Lâm sẻ chia sẽ những kinh nghiệm chăm sóc hồ thủy sinh cho ae tham khảo nhé. Mình đã mất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu và đúc kết những điều này và gói gọn nó trong vài gạch đầu dòng sau :
- - Tối ưu Co2
- - Ánh sáng vừa đủ
- - Nước mát
- - Hệ thống lọc tốt
- - Dinh dưỡng tổng hợp
- - Thả thiên địch
Mình sẽ nói chi tiết từng gạch đầu dòng cho anh em hiểu rõ, thứ tự từ dưới lên tương ứng với mức độ quan trọng tăng dần của nó đến hồ thủy sinh.
Tối ưu Co2
Co2 là yếu tố quan trọng bậc nhất trong thủy sinh và AE hãy nhớ là NÓ THƯỜNG THIẾU TRONG HỒ THỦY SINH, nhiều AE nghĩ là mua bình co2 gắn cho nó cái cốc sủi rồi canh bao nhiêu giọt đó là xong rồi quên nó luôn và hầu hết những vấn đề sẽ phát sinh từ đây. Nhiều vấn đề từ cây yếu cho tới rêu hại đều do thiếu Co2 hoặc co2 ko đều (lúc mạnh lúc yếu ). Mình dùng từ là “tối ưu” Co2 chứ không phải là “có” Co2 , vì "có" không chưa đủ mà phải "tối ưu", nghĩa là co2 phải tới được cây và phải đủ cho cây sử dụng.
Tối ưu Co2 tùy kiểu hồ mà ae sẽ có nhiều cách tối ưu khác nhau, nếu ae dùng sủi hãy đảm bảo dòng nước đẩy những bọt khí này đi khắp hồ (đẩy đi nhiều nhất có thể ), nếu ae dùng trộn thì phương pháp này khá tối ưu, vì co2 sẽ theo đầu out và đi khắp hồ. Thủy Sinh Dương Lâm thì hay dẫn Co2 vào cánh quạt của máy bơm trong lọc vách, khí co2 sẽ được tán nhuyễn trong cánh quạt và đưa ra đầu out đi khắp hồ. Hãy kiểm tra Co2 đã đủ chưa, có nhiều cách để kiểm tra, đơn giản nhất là bộ check Co2 3 màu , xanh dương là thiếu, xanh lá đủ và vàng thì dư. Hiệu quả hơn là ae canh theo pH, thêm co2 cho tới khi hạ 0.5-1 độ pH là được,...... Điều quan trọng mình muốn nói với ae là khi có bất kì vấn đề gì xảy đến với hồ thủy sinh của ae, hãy kiểm tra Co2 trước tiên nhé.
Tối ưu Co2 là ưu tiên hàng đầu trong thủy sinh
Ánh sáng vừa đủ
Yếu tố quan trọng thứ 2 là ánh sáng, trái ngược với Co2, ÁNH SÁNG THƯỜNG DƯ TRONG HỒ THỦY SINH, ngày nay khi công nghệ sản xuất đèn led phát triển, công suất của các loại đèn thường được làm khá cao nên gần như khó mà thiếu sáng mà hầu hết là dư sáng và rất nhiều vấn đề phát sinh từ việc dư sáng này. Ánh sáng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ quang hợp của cây, để dễ hình dung ae hãy tưởng tượng việc ánh sáng mạnh trong hồ thủy sinh giống như ae đang lái xe với tốc độ cao vậy, ae sẽ nhanh đến đích nhưng tiềm tàng nhiều rủi ro, dễ xảy ra tai nạn và hậu quả thì rất nghiêm trọng. Ánh sáng mạnh cây sẽ quang hợp nhiều hơn, phát triển nhanh hơn, phải có đủ Co2 và dinh dưỡng đi kèm, nếu thiếu 1 trong 2 là “tới công chuyện”, cây sẽ vỡ tế bào, nhả tạp chất và rêu hại bùng ầm ầm ngay, ở những hồ high-tech chỉ cần 2-3 ngày “có biến” là trở tay không kịp, tuy nhiên nếu ở 1 hồ ánh sáng vừa đủ cho tới thiếu 1 xíu thì thiếu co2 hay dinh dưỡng cả 1-2 tuần cũng không vấn đề gì. Một hồ thủy sinh với ánh sáng vừa phải rất dể kiểm soát, mọi thứ đều từ từ ổn định, bạn sẽ thấy cây thực sự thoải mái khi ở ngưỡng sáng này. Nếu không phải ae làm 1 hồ để thi đấu hay nguyên cứu chuyên sâu thì tốt nhất cứ để ánh sáng yếu rồi tăng dần nhé.
Biểu hiện rõ nhất của dư sáng ảnh hưởng đến cây thủy sinh là ở những loài chậm phát triển như rêu, ráy, dương xỉ, bucep, ae chỉ cần giảm sáng là đã trồng thành công 50% ở những loài này rồi, ngược lại ánh sáng mạnh là cực hình với tụi nó, khi ánh sáng nhiều, tốc độ quang hợp được đẩy lên cao trong khi tụi nó là những loài có tốc độ quang hợp chậm, bình thường ăn chậm và ăn ít nay đột ngột bị nhồi thức ăn sẽ dẫn đến bội thực và ngộ độc. Phần lớn cây ae bị tịt ngọn, lá teo nhỏ là do dư sáng và nhiệt độ cao, 2 yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ quang hợp ( nhiệt độ mình sẽ đề cập bên dưới). Cây cắt cắm có tốc độ quang hợp cao hơn và ra lá mới liên tục để làm loãng dinh dưỡng tồn đọng nên khó xảy ra ngộ độc ở những loài cắt cắm, tuy nhiên không nên ép cây như vậy, miễn cưỡng không hạnh phúc đâu ae.
Vậy kinh nghiệm rút ra là ae hãy để đèn vừa phải đến thiếu sáng 1 xíu sau đó tăng dần, ở giai đoạn đầu setup hồ thì việc này rất quan trọng, mình chắc chắn rằng hầu hết những vấn đề như cây yếu hay rêu hại đều đến từ dư sáng chứ không phải thiếu sáng. Vậy vấn đề là xác định điểm thiếu sáng để tăng lên là vừa, biểu hiện của thiếu sáng là các loài cây màu đỏ sẽ mất màu, chuyển dần sang cam hoặc xanh, các đốt cách xa nhau, cây cao lên để lấy sáng, đó là lúc bạn cần tăng sáng lên. Hãy an tâm rằng việc thiếu sáng này an toàn hơn nhiều so với việc dư sáng.
Hồ bên dưới của mình kích thước 130x50x70 chỉ dùng 1 cây chihiros slim 1m2 bật 100% và 10h/ngày, ae có thể thấy không hề có biểu hiện thiếu sáng, cây căng khỏe và sắc diện cây rất rõ ràng, màu nào ra màu đó.
Ánh sáng vừa phải trong hồ thủy sinh sẽ dể dàng kiểm soát mọi thứ
Nước mát
Yếu tố nhiệt độ cũng khá quan trọng với cây thủy sinh, mình xếp nó trên cả dinh dưỡng, tuy nó quan trọng nhưng lại xử lý nó dễ nên ae thường ko để ý. Nhiệt độ cũng là 1 trong những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ quang hợp của cây thủy sinh. Nhiệt độ càng cao tốc độ quang hợp càng nhanh và ngược lại, tuy nhiên ở 1 nhiệt độ quá cao cây thủy sinh sẽ không chịu được và chết đi. Duy trì 1 nhiệt độ mát mẻ giống như ae để đèn vừa phải vậy, ae sẽ dễ dàng kiểm soát được tình hình, may mắn là việc kiểm soát nhiệt độ này khá dễ, ae chỉ cần gắn thêm quạt để tản nhiệt cho hồ là ổn rồi. Không nhất thiết phải gắn nhiều quạt, 1 cái là đủ rồi, ae gắn càng nhiều quạt thì chỉ làm tăng tốc độ hạ nhiệt chứ ko làm hạ nhiệt sâu hơn, nó chỉ làm ae châm nước thường xuyên hơn thôi, nhiệt độ của nước phụ thuộc vào nhiệt độ phòng. Mình ở Tp HCM, mình chỉ gắn duy nhất 1 quạt từ hồ lớn cho tới hồ nhỏ và không quan tâm đến nhiệt độ bao nhiêu, mình đoán nhiệt giao động khoảng từ 27-30*C,
Hệ thống lọc tốt
Hãy đảm bảo có lọc cơ học ( bông lọc ) và lọc sinh học ( đá lông vũ, matrix, nham thạch,...) trong hồ, lọc cơ học sẽ giúp làm trong nước và lọc sinh học sẽ chuyển hóa những chất độc hại thành an toàn. Một hệ thống lọc tốt sẽ chuyển hóa NH3/NH4 thành NO3 nhanh nhất có thể trước khi nó được các bào tử rêu hại sử dụng để phát triển (vì lý do gì đó mà cây thủy sinh yếu và hấp thu NH4 chậm). Hãy định kỳ vệ sinh lọc để đảm bảo hệ thống lọc hoạt động trơn tru, nhiều khi rêu hại bùng phát vì lọc bị nghẹt dẫn đến vi sinh hoạt động trì trệ và NH3/NH4 ko được xử lý tốt. Dòng chảy nên vừa phải, tránh việc dòng quá mạnh và thổi trực tiếp vào cây thủy sinh, cây sẽ stress và yếu dần.
Hệ thống lọc tốt sẽ duy trì sự ổn định cao nhất cho hồ
Dinh Dưỡng Tổng Hợp
Nếu ae đã tối ưu hết những yếu tố kể trên thì ae đã thành công 80% rồi, còn lại là dinh dưỡng và vài yếu tố nho nhỏ. Về dinh dưỡng ae hãy nhớ cho mình khái niệm Dinh Dưỡng Tổng Hợp, nó là đầy đủ đa, trung, vi lượng, ae phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng tổng hợp rồi muốn thêm thắc gì thì thêm như kali, sắt,...vv
Dinh dưỡng thì lại giống như Co2, NÓ THƯỜNG THIẾU HỤT. Ae thường nghĩ rằng dư dinh dưỡng gây ra rêu hại nhưng thật ra thiếu dưỡng mới là nguyên nhân chính gây ra rêu hại, thiếu dưỡng làm cây yếu, cây nhã tạp chất hữu cơ và không có sức cạnh tranh với rêu hại dẫn đến rêu hại bùng phát. AE đừng cố sử dụng hóa chất để diệt rêu hại mà hãy cố làm cho cây khỏe lên, nếu cây đã quá yếu, lâu hồi phục, hãy mạnh dạn nhổ bỏ và trồng cây mới mạnh khỏe hơn để tăng sức cạnh tranh với rêu hại, việc ae cố “chịu đấm ăn xôi” để đợi cây yếu hồi phục sẽ rất lâu và thường rêu hại sẽ bùng phát ngay tại vị trí những cây yếu này.
Việc thiếu hụt dinh dưỡng thường chỉ thiếu 1 vài chất nhưng lại ảnh hưởng đến dinh dưỡng tổng thể, thiếu 1 chất cũng làm dinh dưỡng tổng thể vô dụng, hãy đảm bảo có đầy đủ các chất nhé. AE đừng cố test để tìm chất bị thiếu hụt, chỉ cần đơn giản là thay nước và châm dinh dưỡng tổng hợp lại là được, sau vài lần thay nước sẽ làm mới lại dinh dưỡng trong hồ theo tỉ lệ đúng chuẩn thì cây sẽ hồi phục nhanh thôi.
Nếu ae có theo dõi các aqua lớn trên thế giới như Green Aqua thì sẽ thấy họ duy trì nồng độ dinh dưỡng khá cao trong cột nước (Châm dưỡng theo chỉ số ước tính của Tombarr), cụ thể : No3 20ppm, PO4 1-2ppm, K 15ppm, Fe 0.2 ppm,…. và hồ của họ rất sạch sẽ, ko rêu hại, có thể cũng cố phần nào việc dư dinh dưỡng đa, vi lượng trong cột nước không sinh ra rêu hại, mà như mình đã đề cập rằng rêu hại phần lớn đến từ việc dư NH4 (sản phẩm sau khi xử lý tạp chất hữu cơ của vi sinh)
Phân Nước Tổng Hợp của Thủy Sinh Dương Lâm cung cấp đầy đủ đa, vi lượng thiết yếu
Thả thiên địch
Việc này cũng rất quan trọng trong 1 hồ thủy sinh nhưng nhiều ae bỏ qua, ko để ý. Trong tự nhiên luôn có những loài là thiên địch của 1 loài, vai trò của chúng trong tự nhiên là kiềm hãm sự phát triển của 1 loài phát triển quá nhanh. Trong hồ thủy sinh cũng vậy luôn có những thiên địch của rêu hại, tồn tại và kiềm hãm sự phát triển của chúng. Chắc ae đã biết đó là Ốc nerita, Otto, Tép Yamato, Bút chì, Mún…thả 1 lượng vừa đủ với kích thước hồ là 1 cách kiềm hãm rêu hại tốt nhất mà mình biết, phải nói là cực kì hiệu quả. AE LƯU Ý là thả ngay khi vào cây nhé đừng đợi đến khi rêu hại bùng phát mới thả, lúc đó sẽ khó khăn hơn nhiều, phòng bệnh hơn chữa bệnh.Cá Otto rất cần thiết trong hồ thủy sinh
Vài yếu tố khác
Trong 1 hồ thủy sinh thập cẩm ( trồng hơn 10 loài cây ) thường sẽ có 1 – 2 loài cây èo ọt hơn phần còn lại, thường xuyên dính rêu hại, ae không cần quá lo nếu các loài còn lại vẫn khỏe mạnh. Có vài nguyên nhân như là cây đó không phù hợp với thông số của hồ, vài loài đột biến nên yếu hơn và không chịu được sự cảm nhiểm của các loài khác tiết ra hoặc đơn giản là nó không phù hợp với dinh dưỡng tổng thể của hồ, việc ae cố thay đổi môi trường để loài đó khỏe lên có thể sẽ ảnh hưởng đến các loài còn lại. Tốt nhất là thay một loài khác có màu sắc tương đồng và “sống hòa thuận” với phần còn lại.
Né những loài cá có tập tính rỉa cây, cho ăn no đủ thì ko sao nhưng đói sẽ gặm nhấm các ngọn cây, cây gần như ko phát triển được, nhả tạp chất và ảnh hưởng đến cả hồ.
Bên trên là vài kinh nghiệm chăm sóc hồ thủy sinh mà mình thấy quan trọng nhất, ae chỉ cần tối ưu những vấn đề trên thì việc duy trì hồ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Khi có “biến cố” xảy ra, nếu không xác định được chính xác nguyên nhân, ae hãy thử tăng xíu co2, giảm xíu đèn, tăng xíu dưỡng, thả thiên địch chắc chắn sẽ “dính” cái gì đó kkk.
OK thanks ae đã quan tâm và chúc ae sớm có 1 hồ thủy sinh đẹp nhé, cần thông tin gì cứ nhắn cho mình, mình có tạo 1 group zalo cho ae giao lưu và trao đổi tất tần tật về thủy sinh, mình sẽ thường xuyên chia sẽ thông tin trên này, ae hứng thú thì tham gia cho vui nhé.
Link group zalo : https://zalo.me/g/hlxvjp439
Mã QR
Hãy liên hệ Thủy sinh Dương Lâm để được tư vấn nhé !
CÔNG TY TNHH THỦY SINH DƯƠNG LÂM
Địa chỉ showroom : 22/37/6 Đường Số 1, Khu Phố 5, P.Hiệp Bình Phước, Tp Thủ Đức, Hồ Chí Minh
Hotline : 0935.20.88.20 - 0981.999.241
Fanpage : Thủy Sinh Dương Lâm