Một trong những vấn đề trọng yếu là dinh dưỡng hồ thủy sinh, một hồ thủy sinh phải được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng đa, trung, vi lượng thì thực vật trong hồ mới sinh trưởng và phát triển tốt nhất, tham khảo những chia sẽ của Thủy Sinh Dương Lâm nhé !
Đa lượng
Carbon
Carbon là nguyên tố đa lượng quan trọng nhất của cây, hơn 40% chất cấu thành thân và lá cây là carbon, là nguyên tố sống còn đối với cây thủy sinh, phần lớn những vấn để xảy ra đối với hồ của bạn nằm ở việc chưa thể tối ưu Co2 trong hồ. Carbon được cung cấp cho cây dưới dạng khí Co2 được hòa tan vào hồ thông qua những bộ trộn. Khi không có hoặc không đủ Co2, cây sẽ ngừng quang hợp ngay, lá teo dần, mất màu, 1 thời gian sẽ chết đi. Cần bổ sung Co2 đầy đủ cho hồ nếu bạn muốn có 1 hồ thủy sinh xanh, sạch, đẹp. Vấn đề về Co2 khá nhiều mình sẽ chia sẽ chi tiết hơn ở 1 bài viết khác.
Tỉ lệ các nguyên tố cây hấp thu
Ni-tơ (Nitrogen)
Ni-tơ là một trong những dưỡng chất chính mà cả cây thủy sinh lẫn cây trên cạn đều cần để sinh trưởng tốt và khoẻ mạnh, nó là thành phần chủ yếu trong các chất đạm và axit nucleic và chiếm khoảng 1-2% trọng lượng khô của cây. Cây không thể hấp thụ ni-tơ dưới dạng khí N2 mà được hấp thụ qua các dạng khác như NH4 (amonium), NO2(nitrit), NO3(nitrat). NH3 tự do và amonium được sinh ra trong quá trình phân hủy của thực vật, phân cá, thức ăn cá tép,....trong 2 loại này NH3 tự do là thành phần cực độc với cá tép chỉ với liều lượng nhỏ, Amonium thì vô hại với cá tép và là nguồn nitrogen mà cây thích nhất và ưu tiên hấp thụ, sau đó mới đến NO3, lí do vì cây sử dụng amonium để tổng hợp chất đạm và nếu ni-tơ được hấp thụ dưới dạng No3 cây cần mất thêm năng lượng để chuyển hóa thành Amonium. NH3/NH4 qua quá trình nitrat hóa sẽ được vi khuẩn nitrosomonas chuyển hóa thành No2( cũng cực độc với cá tép chỉ với liều lượng nhỏ), và chuyển hóa thành No3(an toàn với cá tép) nhờ vi khuẩn nitrobacter, và No3 sẽ được cây thủy sinh sử dụng như là nguồn dinh dưỡng. Lưu ý rằng ở nhiệt độ hoặc pH cao thì Nh4 sẽ chuyển hóa thành NH3 tự do và gây nguy hại cho cá tép, vào những thời điểm nắng nóng cần trang bị cho hồ quạt tản nhiệt hoặc có điều kiện thì sử dụng chiller để làm mát nước, để tránh việc chuyển hóa Nh4 thành Nh3. Cây thiếu Nitrogen thường có biểu hiện vàng và rụng lá già, cần cung cấp Nitrogen cho cây dưới dạng nitrat hoặc amonium bằng các loại phân nước thủy sinh phổ biến trên thị trường để đảm bảo dinh dưỡng cho hồ thủy sinh của bạn. Cần duy trì nồng độ No3 cho hồ thủy sinh trong khoảng 5-15 ppm.
Thiếu nitrogen ở cây thủy sinh
Phốt-pho ( phosphorus)
Phốt pho đóng vai trò trong việc chuyển hóa năng lượng và là một thành phần quan trọng của các hợp chất và enzym di truyền. Sự phát triển mạnh khỏe của rễ và việc hình thành hoa cũng phụ thuộc vào lượng phốt pho có trong cây. Nên giữ nồng độ phốt pho trong ngưỡng 0.5-1ppm là tối ưu, việc ít hay nhiều phốt pho cũng làm xuất hiện một loài tảo hại khá phổ biến là tảo đốm xanh. Phốt pho được sinh ra trong quá trình phân hủy tạp chất hữu cơ, từ chất thải cây cá, những hồ có lượng cây cá nhiều thường sẽ không thiếu nguyên tố này. Một lượng phốt pho quá nhiều trong nước sẽ kết hợp với sắt tạo thành kết tủa và làm hồ thủy sinh của bạn thiếu sắt.
Tảo đốm xanh
Kali (Postassium)
Kali là một dưỡng chất quan trọng không thể bỏ qua đối với hồ thủy sinh, là thành phần chủ chốt trong hệ thống sinh lý và được dùng trong việc tổng hợp chất đạm, mở và đóng các mao mạch, tạo rễ, kháng bệnh và quang hợp.Thiếu kali sẽ khiến sự tăng trưởng và màu sắc của cây suy giảm toàn diện cũng như ngăn cản quá trình quang hợp. Khác với ni-tơ và phốt-pho, kali không được sinh ra từ bất kì sự phân hủy do vi sinh nào trong hồ, nên đây là nguyên tố bạn cần phải châm thêm bằng phân nước. Nên giữ nồng độ kali trong ngưỡng 5-10ppm,thiếu kali thường gây ra việc thủng lố trên lá, dư kali chưa cho thấy sự phát triển của loài rêu hại nào nhưng sẽ gây cản trở hấp thu các chất dinh dưỡng khác.
Biểu hiện thiếu kali ở cây thủy sinh
Trung lượng
Ca, Mg là 2 nguyên tố trung lượng quan trọng trong hồ thủy sinh nhưng thường bị các anh em bỏ qua vì phần lớn chúng đã có sẵn 1 lượng vừa đủ trong nước máy, cần kiểm tra thông số nước máy của bạn để đảm bảo rằng có đầy đủ Ca, Mg trong nước.
Vi Lượng
Bo (Boron) : Bo được cây hấp thu dưới dạng borat (Bo3) và cần thiết với chức năng của màng tế bào, sự tăng trưởng của rể, chuyển hóa cacbonhydrat , ổn định thể chất và ra hoa.
Sắt : sắt là chất vi lượng quan trọng được sử dụng trong quá trình hô hấp, tạo enzym và tổng hợp chất diệp lục. Cây hấp thụ sắt dưới dạng Fe2+, khi có sự xuất hiện của oxi sẽ oxy hóa thành Fe3+ mà cây rất khó hấp thu. Sắt là nguyên tố khá khó xử lý trong hồ, việc thiếu hụt hay dư thừa sắt đều gây nên những vấn đề cho hồ thủy sinh của bạn, nên giữ nồng độ sắt trong khoảng 0,05-0,1ppm.
Mangan : Cây hấp thụ Mn dưới dạng ion Mn2+ qua cả lá và rễ, chúng kích hoạt các enzym dùng trong việc hình thành chất diệp lục và quá trình quang hợp, cây cần 1 lượng mangan tương đối nhỏ nhưng là chất vi lượng cần thiết.
Molyp-đen (Mo): là thành phần của 1 enzym mà cây sử dụng để chuyển hóa nitrat thành amonium cần cho việc tổng hợp đạm và đặc biệt quan trọng với môi trường nước cứng khi mà có rất ít hay hoàn toàn không có amonium hiện diện trong nước. Cây hấp thu Molyp-đen dưới dạng molyp-đat (Mo042-).
Kẽm(Zn): là thành phần của nhiều enzym và tham gia vào sự hình thành chất diệp lục, ở nồng độ cao kẽm có thể gây độc hại với cả cây và cá.
Đồng (Cu): là thành phần chủ chốt của enzym cần thiết cho quá trình hô hấp nhưng cây chỉ cần 1 lượng rất nhỏ.
Ngoài ra còn có Clo, Nic-ken,...nhưng quan trọng nhất trong số những vi lượng bạn cần quan tâm là Sắt, là nguyên tố dễ thiếu hụt và cũng dễ dư gây độc hại cho hồ nhất.
Cây thủy sinh bị ngộ độc sắt
Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho hồ thủy sinh sẽ giúp thực vật trong hồ lúc nào cũng căng, khỏe, kéo theo môi trường nước ổn định, hồ của bạn lúc nào cũng trong veo, căng mọng.
Bên trên là những chia sẽ tổng quát về dinh dưỡng của Thủy sinh Dương Lâm, chúc các bạn sớm có 1 hồ thủy sinh đẹp như ý mình.
Hãy liên hệ Thủy sinh Dương Lâm để được tư vấn nhé !
CÔNG TY TNHH THỦY SINH DƯƠNG LÂM
Địa chỉ showroom : 22/37/6 Đường Số 1, Khu Phố 5, P.Hiệp Bình Phước, Tp Thủ Đức, Hồ Chí Minh
Hotline : 0935.20.88.20 - 0981.999.241
Fanpage : Thủy Sinh Dương Lâm